Khác · Sách dịch

[Sách dịch] Confessions of a sociopath (M.E.Thomas)- Chương 4 phần 3


Chương 4: SOCIOPATH BÉ NHỎ GIỮA MỘT THẾ GIỚI RỘNG LỚN (p3)
(M.E.Thomas)
Một Chủ nhật nọ tôi bị ốm nặng. Khoảng đó là vài tháng trước sinh nhật thứ 16 của tôi. Tôi thường giữ những chuyện đó cho mình. Ngay cả bây giờ, tôi không thích người khác quan tâm đến những vấn đề cá nhân , vì nó thể hiện một lời mời mọc nhúng tay vào những hoạt động trong cuộc sống riêng của tôi. Nhưng ngày hôm đó, tôi hòa hoãn và nói với mẹ về cơn đau buốt ở vùng bụng ngay bên dưới xương ức. Sau khi bà làm ra cái vẻ giận dữ thường thấy, bà đưa tôi một loại thuốc lá lang băm nào đó và bảo tôi hãy nghỉ ngơi đi. Giờ thì tôi vừa đau vừa buồn nôn.
Ngày tiếp theo tôi nghỉ học ở nhà, chuyện đó không mang lại ý nghĩa gì nhiều lắm ngoài việc khiến tôi thụt lùi trong tất cả các hoạt động. Nó đem đi tất cả những lớp học đầy thử thách, âm nhạc và những nhóm thể thao cùng những hoạt động ngoại khóa khác, cộng thêm rằng việc chơi đùa với thế giới nội tâm của đám bạn mình, những người quen biết, và ban giám hiệu nhà trường đã từng khiến cho cả tâm trí và cơ thể tôi được bận rộn. Sự nhàm chán là kẻ thù của tôi, và vì vậy, cũng là căn bệnh của tôi. Ngày tiếp theo, dù vẫn còn ốm, tôi trở lại trường; tuần đó tôi chơi đá bóng và ăn bàn đôi.
Mỗi ngày trôi qua cha mẹ tôi đều thử một phương pháp chữa trị mới. Tôi đem theo một túi nhỏ đầy thuốc đến bất cứ chỗ nào: Tums, Advil, ibuprofen, và cả tá thứ thuốc tại-gia-chữa-bách-bệnh khác. Tôi cảm thấy đau, nhưng tôi không thể đo lường được mức độ nghiêm trọng của nó và cũng không thể lý giải được ý nghĩa của việc đó. Nó là một trở ngại, giống như thiếu mất một cầu thủ trên sân hay bị viễn thị vậy. Tôi phải hoạt động tích cực hơn, căng mắt ra –để đấu tranh với thứ đang tăng tiến bên trong tôi, nhói lên hòng khiến tôi chú ý, và bao trùm cơ thẻ tôi với một sự miễn cưỡng hoạt động.
Tất cả năng lượng mà tôi thường sử dụng trong các tình huống xã hội để hòa nhập và quyến rũ người khác đã được chuyển hướng vào việc kiểm soát và bỏ qua những cơn đau đớn. Một vài ngày sau đó, tôi bắt đầu gầm gừ với mọi người và tỏ vẻkhó chịu. Tôi không còn tham gia vào những câu chuyện phiếm để xu nịnh lẫn nhau hay thậm chí là đáp lại với phép lịch sự tối thiểu. Tôi ngừng phản ứng với mọi người với những cái gật đầu hay tỏ vẻ mặt có quan tâm; thay vào đó, tôi nhìn chằm chằm vào chúng với đôi mắt chết chóc mà trước đó tôi thường giữ lại cho những dịp khi tôi chỉ có một mình và không bị ai thấy. Tôi còn chẳng phiền để cười lấy một cái. Không có sự chọn lọc giữa những suy nghĩ bí mật của riêng tôi và những lời nói ngoài miệng, nên cuối cùng tôi cũng xổ toẹt với đám bạn rằng tôi thấy chúng xấu xí như thế nào hay tại sao chúng đáng đời với mấy thứ xui xẻo đổ lên người. Tôi không còn khả năng trí tuệ để điều chỉnh cảm xúc của mình đúng hướng hay tỏ ra quyến rũ nữa. Mất đi sức chịu đựng tinh thần để liên tục chỉnh trang lại ảnh hưởng của tôi đối với những người xung quanh, tôi ôm ghì lấy hương vị thô sơ của sự ích kỷ từ trong bản thân, một sự pha trộn của tính cuồng bạo lực đần độn và sự khinh thường sắc bén.
Tôi thậm chí không biết tôi đang làm điều đó, như việc tôi đã không hề nhận ra tôi đã phải hy sinh bao nhiêu chất xám chỉ đơn giản để duy trì các mối quan hệ cá nhân của mình hay tôi đã phải tự yêu cầu bản thân bao nhiêu để kiềm hãm những thôi thúc tự nhiên. Chỉ sau khi không có ai trong đám bạn dính lại với tôi nữa thì tôi mới nhận thấy chuyện gì đã xảy ra. Họ chỉ có thể coi (thói hành sử) của bạn là ngoại lệ trong bấy lâu thời gian thôi. Tôi cư xử với mọi người chỉ vừa đủ ngưỡng “tốt” nên những hành vi hèn hạ của tôi sau đó lý giải cho việc rất nhiều người bạn dứt áo ra đi . Nó giống như tôi đã trải qua thời niên thiếu trong bộ áo giáp trung cổ ngay dưới lớp quần áo của mình chỉ để đột nhiên cởi nó ra mà không hề hay biết. Không bị kìm kẹp bởi sức nặng của bộ giáp, chuyển động của tôi trở nên vượt ngưỡng và kỳ quặc.
Buổi sáng, buổi chiều, buổi tối trôi qua theo cách này, trong sự đè nén đau đớn âm ỉ mà im lặng .Cơn đau bụng của tôi di cư vào vùng lưng ngay phía trên thận. Tôi đổ nhiều mồ hôi hơn, tê buốt hơn, xanh xao hơn. Bố tôi nói tôi có thể bị căng cơ. Tôi đi học trở lại và phải di chuyển đến một lễ hội cách đó khoảng bốn mươi dặm. Trên xe buýt tôi bị sốt và phải nằm xuống sàn xe trên đường về nhà. Cả dịp cuối tuần tôi chết dí trên giường. Thứ ba, tôi quay lại trường nhưng quá yếu để ở tại lớp, vì vậy tôi đã dành buổi chiều hôm đó ngủ trong xe hơi của anh trai mình. Tôi không nhớ lúc đó rơi vào mùa nào, nhưng buổi chiều đầy sánh sáng, và nắng mặt trời ấm áp, vô định tràn vào xe qua lớp cửa kính, biến chiếc xe thành một cái nhà kính, một thứ lồng ấp. Cuộn tròn ở hàng ghế sau, tôi thấy cảm giác ấm áp ngon lành chặn đứng sự hỗn loạn của từng cơn nhói đau, lúc sắc bén, lúc âm ỉ đang cư ngụ tại mỗi góc rộng hẹp trong cơ thể mình. Ở nhà tôi biến mất vào giường. Khi mẹ tôi đến để đánh thức tôi dậy ăn tối, bà lật ra đứa trẻ run rẩy, nóng rát , và ướt nhẹp từ trong vỏ bọc của nó. Khi cha tôi về nhà ông nhìn chằm chằm vào tôi một lúc và dự tính bước đi tiếp theo của mình. Ông nhìn vào người tôi, thấy có gì đó không hay đang xảy ra, rồi hòa hoãn nói :”Mai chúng ta đưa nó đi gặp bác sĩ.”
Ngày hôm sau, tất cả mọi người ở văn phòng bác sĩ đã rất lo âu, bình tĩnh và nhẹ nhàng. Họ đã làm một số xét nghiệm, và sau khi có kết quả, mọi thứ thay đổi thành sự gấp gáp và những lời buộc tội. Các bác sĩ nói bằng giọng phẫn nộ về thứ gì đó trong lượng bạch cầu của tôi. Tôi có thể cảm nhận mẹ tôi lùi dần vào yên tĩnh, một sự không thừa nhận nửa rối loạn, trong trạng thái rút lui giống như khi cha tôi đập phá đồ đạc hay hét vào mặt bà. Các bác sĩ đã chỉ hỏi rất nhiều câu hỏi-nếu tôi đã cảm thấy đau, tôi đã làm những gì trong mười ngày qua, và tại sao tôi đã không lên tiếng sớm hơn- kiểu như đang gợi ý rằng tôi đã làm sai cái gì đó, và tôi không đáp lời họ nữa. Tôi chán chường và bồn chồn. Tôi không muốn ở đó nữa. Tôi muốn được tự do làm những việc của riêng mình thay vì là một nạn nhân thụ động cho lòng thương xót của những người mang ý tốt. Có người hỏi tôi có muốn nằm xuống hay không; Tôi lịch sự từ chối và sau đó ngất đi. Khi tôi lờ mờ tỉnh dậy, tôi nghe tiếng la hét và tiếng cha tôi thuyết phục các nhân viên y tế không điều một xe cứu thương đến. Ngay cả trong cơn mê sảng của mình, tôi có thể cảm nhận được sự mất lòng tin của họ về ông.
Cha tôi có thể làm bất cứ điều gì để có thể thoát ra khỏi những ánh mắt trách móc. Đằng sau mí mắt khép hờ run rẩy của mình, tôi có thể thấy sự hoảng loạn hoang dã trong đôi mắt ông. Nó không phải loại hoảng sợ rằng con gái mình sẽ chết. Hay chính xác hơn, thì đúng là vậy. Nhưng đó là sự phán xét đạo đức của bạn bè và hàng xóm xung quanh về cái chết của tôi chứ không phải là sự mất mát đứa con gái khiến ông hoảng loạn. Rằng ông đã cho phép con gái mình chết trong sự thờ ơ. Rằng ông và mẹ tôi đã khiến tôi phải chịu đau đớn hơn một tuần lễ mà không tìm đến bất kỳ chăm sóc y tế nào, bởi vì, như tôi đã phát hiện ra sau đó, ông đã chủ động để bảo hiểm y tế của gia đình hết hạn. Bây giờ khi nghĩ về nó tôi ngạc nhiên là ông không bỏ lại mẹ tôi và tôi tự xoay sở. Theo một cách nào đó, mẹ tôi đã may mắn hơn cha tôi. Việc bị áp bức đã cho phép bà thoát khỏi trách nhiệm và sự bất lực xá đi tội lỗi của bà.
Khi tôi tỉnh dậy sau ca phẫu thuật, tôi thấy cha đứng cạnh bên với sự tức giận mệt mỏi. Ông tóm tắt lại mọi chuyện cho tôi: Ruột thừa của tôi bị vỡ ra, phun trào độc tố vào trong ruột. Nội tạng tôi bị nhiễm trùng, và cơ lưng bị hoại tử. Những bác sĩ phẫu thuật đã phải cắt bỏ khối thịt hoại tử và một ống nhựa được chèn vào vết thương để hút mủ ra. Có lẽ không có tổn thương lâu dài gì.
“Con có thể đã chết rồi. Các bác sĩ rất giận dữ.” Cái cách mà ông nói ám chỉ với tôi điều đó. Như thể tôi là người phải cúi đầu xin lỗi về tất thảy mọi chuyện.
Bệnh viện là cái nơi mà, đương nhiên , khiến người ta đánh mất nhân tính. Thời gian tồi tệ nhất trong một ngày là trước khi trời sáng, khi trong phòng đặc biệt lạnh và ánh sáng ban ngày trộm lẻn qua những tấm rèm gợi cảm giác như có thứ gì đó đang đếm số người ở đây. Các y tá trực đêm được thay thế bởi các y tá làm ca ngày, tươi tắn như vừa chui ra từ trong phim hoạt hình và cực kỳ mong mỏi được gieo rắc món thực hành ác liệt của họ. Một bầy mồm như ngỗng trời gồm thực tập sinh và bác sĩ lượn một vòng, kéo rèm cửa để bắt đầu công cuộc kiểm tra và phân đề mục uể oải, cơ thịt bị hoại tử gắn liền với ống thuốc và máy móc- những người máy trong buổi triển lãm bệnh học ảo tưởng.
Bị tước đi giáp trụ, bạn có thể âu yếm lấy sự man rợ mà bệnh viện khiến bạn trở thành, hoặc bạn có thể quờ quạng một cách tuyệt vọng để bắt lấy nhân tính. Đối với tôi, đó là một lựa chọn dễ dàng. Tôi quen thuộc với sự man rợ trong mình-con vật không biết gì khác hơn ngoài ý chí của chính nó để tồn tại và sinh sôi. Tôi không gặp khó khăn gì trong việc bỏ đi các ý niệm về nhân phẩm hoặc nhu cầu được kết nối của bản thân, bởi vì tôi biết làm như vậy là phương pháp hiệu quả nhất để vượt qua những ngày phía trước. Cũng có một cảm giác nhẹ nhõm rằng tôi không phải đeo lên một chiếc mặt nạ cho bất cứ ai. Nó giữ lại cho tôi rất nhiều năng lượng tinh thần. Cuộc sống co lại về những điều tối thiểu – ngủ, ăn uống, và đi ngoài – bị gián đoạn bởi những xâm phạm thể chất thường xuyên có thể được dự đoán và đã được lên kế hoạch. Trong này, tôi là một bệnh nhân gương mẫu. Tôi đã làm những gì tôi được bảo, nghiêm túc làm bài tập thở và tập đi xung quanh phòng, áo choàng bệnh vỗ mở phía sau lưung. Một y tá nghĩ rằng tôi rất “dũng cảm.” Tôi nghĩ rằng cô ấy đang nói về đôi mắt ánh thép của tôi cộng thêm thái độ cười-mỉm-và-chịu đựng. Không có nước mắt, không có phàn nàn – một sự thiếu hụt tình cảm hoàn hảo. Nếu đối với con mồi, đó là lòng dũng cảm khiến người ta ngưỡng mộ; đối với một con thú săn mồi, đó là sự thiếu nhân tính khiến nỗi sợ hãi lan truyền.
Sau khoảng một tuần, tôi được dự kiến xuất viện, miễn là tôi duy trì quỹ đạo chăm sóc sức khỏe đang dần tốt lên của mình. Các y tá nói với tôi rằng rào cản cuối cùng của tôi trước khi xuất phát là bữa ăn sáng. Quá buồn nôn để ăn được cái gì, tôi đã cố gắng rỉa vào các loại thực phẩm với âm thanh to nhất có thể vì nó sẽ trông giống như tôi đã ăn nhiều hơn , nhưng cuối cùng lại có vẻ như thể tôi đã không chạm vào bất cứ thứ gì. Lúc đó, cha tôi đã cứu tôi. Ông xuất hiện ở bệnh viện khoảng ngay một tiếng trước cuộc họp của mình, nhồi nhét bánh vào miệng bằng một tay và dội trứng xuống nhà vệ sinh với cái tay kia.
Trên đường về nhà, trong vài phút trước cuộc họp của bố tôi, chúng tôi rẽ vào một cửa hàng âm nhạc để mua đĩa nhạc mà tôi đã luôn thích. Nó đã đóng cửa, nhưng ông đập vào cánh cửa cho đến khi có được sự chú ý của một nhân viên, ra dấu về phía tôi với những lời giải thích vội vã, và trở lại xe với những gì tôi đã yêu cầu. Người ta có thể làm bạn ngạc nhiên.
Tôi không biết làm thế nào gia đình mình trang trải được hóa đơn bệnh viện, nhưng tôi chắc chắn các kỹ năng cha tôi sử dụng để mua cho tôi chiếc đĩa CD đã giúp đỡ nhiều trong việc thoát ra khỏi món nợ khổng lồ đó. Khi chúng tôi về nhà, ông đưa tôi lên cầu thang và giúp tôi nằm vào giường , bảo đảm rằng ai đó sẽ coi sóc cho đống băng gạc đã thấm ướt của tôi. Ông thường nói những điều như thế, những điều vô cùng khó để thực sự xảy ra.
——————————End of chapter4-p3—————————-

Leave a comment