Sách dịch

[Sách dịch] Confessions of a sociopath (M.E.Thomas)- Chương 1 phần 1


Chapter 1: TÔI LÀ MỘT SOCIOPATH, VÀ BẠN CŨNG VẬY (p1)
(M.E.THOMAS)
g
Nếu cuộc đời tôi là một chương trình truyền hình thì nó sẽ bắt đầu như thế này: Đó là một ngày  hè ấm áp dễ chịu của khí hậu phương Nam. Ánh nắng phản chiếu lấp lánh trên mặt hồ. Cánh cửa trượt mở  với một tiếng ầm nhẹ. Một phụ nữ trẻ bước ra trong đôi dép lê và bộ đồ bơi Speedo màu đen. Mái tóc đen buông dài chạm đến đôi vai chắc nịch của một người hay bơi lội. Da của cô sẫm màu vì làm công việc cứu hộ ở bể bơi địa phương. Cô không đẹp cũng chẳng xấu, vóc người cân đối và không có đặc điểm gì nổi bật. Nhìn cô như một vận động viên; có một sự nam tính vụng về trong cách mà cô ấy di chuyển, một sự thiếu liên kết về mặt cảm xúc với cơ thể của cô. Cô không có vẻ mấy bận tâm về cơ thể của mình, đẹp hay không đẹp. Cô cũng quen với việc cơ thể gần như trần trụi, vận động viên thường như thế cả.
Hôm nay cô chuẩn bị cho một buổi dạy bơi riêng. Cô vắt chiếc khăn tắm lên ghế và đá dôi dép đi. Có một sự bất cần ngẫu nhiên khi cô làm vậy, như thể  quăng đi sự chống đối ương ngạnh hời hợt với thế giới này. Đó là khi cô để ý mặt nước đang gợn sóng. Cô nhìn thấy có cái gì đó đang di chuyển trong hồ.
Thứ đó nhỏ đến nỗi cô không thể nhận ra được cho đến khi tới gần – một con chuột túi ốp-pốt con, có lẽ chỉ khoảng 1 tuần tuổi, những móng vuốt nhỏ màu hồng của nó đập điên cuồng, cái mũi thậm chí còn hồng hơn hấp háy khó khăn trên mặt nước. Vật nhỏ tội nghiệp này có lẽ đã rơi xuống hồ trong đêm. Nó quá nhỏ để có thể đẩy cơ thể lên tới được bờ. Những thớ cơ của con vật nhỏ quẫy đạp trong kiệt quệ. Thậm chí đến cả đôi mắt tí hin lấp lánh của nó cũng nhuốm mệt mỏi; nó đang trên bờ vực đầu hàng vì kiệt sức.
Người phụ nữ trẻ di chuyển nhanh hơn, xỏ đôi dép lê vào, và dừng lại một lúc bên cạnh  bể bơi. Cô với lấy một chiếc lưới và đưa lại phía con ốp-pốt. Camera quay vào cảnh chiếc lưới hạ xuống, nhúng vào trong mặt nước, giữ được bụng con ốp-pốt nhỏ ngay trước cái chân thô kệch của nó. Với một động tác nhanh, gần như chẳng mất chút công sức nào, chiếc lưới kéo con ốp-pốt nhỏ xuống dưới mặt nước cho đến khi đầu nó chìm hẳn. Con vật quẫy đạp, cơ thể mệt mỏi của nó giờ đây phải cảnh giác với một mối nguy hiểm mới. Nó chống cự một cách ồn ào, rên rỉ và rít lên, cho đến khi nó cuối cùng cũng xoay sở để gỡ chân sau ra khỏi lưới. Nhưng nó còn chẳng có thời gian để lấy lại một hơi thở trước khi chiếc lưới lại úp xuống. Nhưng lần này các mắt lưới  lại vướng vào nhau và con vật có thể thoát khỏi cái bẫy.
Người phụ nữ thở dài, và chiếc lưới được nhấc lên. Con ốp-pốt nhỏ cảm thấy một sự nhẹ nhõm tràn qua trong một thoáng chốc, chỉ để tiếp tục quẫy đạp tuyệt vọng trong nước. Người phụ nữ trẻ vứt chiếc lưới xuống sàn, vớ lấy cái khăn tắm và đi vào trong nhà. Vài phút sau cô gọi điện thoại cho học sinh của mình – buổi học hôm nay bị hủy: hồ bơi có vấn đề . Cô nắm lấy chìa khóa, mở cửa trước, và bước xuống đến chiếc xe thể thao mà cô đã lái từ hồi sinh nhật thứ 16. Động cơ V-8 khò khè vài tiếng, rồi nổ vang. Cô kéo cần số, nhẹ tránh xa khỏi những chiếc xe khác trên đường, rồi lao vút đi, chuẩn bị hưởng thụ một buổi chiều mùa hè tự do bất ngờ. Khi cô trở về đã là xế chiều, cô nhìn thấy một bóng đen dưới đáy hồ. Cô cầm lấy chiếc lưới ban sáng, xoay sở vớt được đống nhỏ nhỏ đó ngay lần đầu tiên, rồi vứt nó qua hàng rào sang sân nhà hàng xóm. Cô cho thêm một viên chlor vào trong hồ rồi đi vào bên trong. Camera vẫn nấn ná trên mặt hồ, không có thứ gì khiến nó gợn sóng nữa. Mờ dần vào trong bóng tối.
Tôi là một sociopath. Do tác động kép của di truyền và môi trường, tôi mắc phải một chứng mà những nhà tâm lý học hiện nay gọi là Rối loạn nhân cách chống đối xã hội, đặc trưng được chỉ ra bởi Cẩm nang chẩn đoán và thống kê về rối loạn tâm thần (DSM) rằng “có đặc điểm nổi bật là coi thường và xâm phạm đối với quyền của những người khác”. Những đặc điểm then chốt trong chẩn đoán này bao gồm sự thiếu cảm giác tội lỗi, thiên hướng lừa dối, và thất bại trong việc tuân thủ những nguyên tắc xã hội. Tôi thì thích định nghĩa bệnh lý nhân cách của mình như một tập hợp những đặc điểm ảnh hưởng đến tính cách của tôi, nhưng không định nghĩa con người tôi : Tôi nói chung không bị vướng phải những cảm xúc rối rắm và vượt khỏi luân lý, tôi mưu lược và không ngoan, tôi thông minh, tự tin và quyến rũ, nhưng tôi cũng gặp khó khăn khi phải phản ứng thế nào cho hợp lý với những tín hiệu xã hội gây bối rối và dựa vào tình cảm của những người xung quanh. Psychopathy và Sociopathy là những thuật ngữ với một lịch sử bệnh học rắc rối, và phần lớn không được dùng thay thế cho nhau, do một số nhà khoa học phân biệt hai định nghĩa này dựa trên di truyền, kích thích, và các yếu tố khác. Tôi đã chọn gọi mình là một sociopath vì những định kiến về psycho ( người điên loạn/có vấn đề về thần kinh) trong xã hội hiện nay. Tôi có thể mắc chứng rối loạn, nhưng tôi không bị điên.
Tôi có thể tìm được những sự liên kết tương đồng về di truyền thông qua cha tôi và ông tôi –người được biết đến như một kẻ vô cùng lạnh lùng. Gương mặt của ông nội tôi dày sẹo sở dĩ vì tính bốc đồng và xu hướng mất kiểm soát về bạo lực và mạo hiểm. Ông là một nhà khoa học tên lửa nhưng ước gì mình là một cao bồi. Ông dành tất cả tài sản thừa kế của mình vào một trang trại mà sau đó ông đã khiến nó sụp đổ vì tiền thuế. Ông làm bà nội tôi có thai và bị ép buộc trong một cuộc hôn nhân không mong muốn mà sau đó kết thúc rất nhanh chỉ vài tháng sau khi bố tôi ra đời. Ông rũ bỏ trách nhiệm của cha mẹ và không bao giờ gặp lại bố tôi nữa. Tôi không biết gì về hai ông bà ngoại của mình, tuy nhiên theo như phỏng đoán của bản thân thì “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh” thôi.
Quá trình lớn lên càng thúc đẩy khuynh hướng được di truyền của tôi, nhưng không phải theo cái cách mà bạn thấy trên TV hay những hình tượng sociopath trong phim ảnh. Tôi không phải nạn nhân của lạm dụng trẻ em, và tôi cũng không phải kẻ giết người hay một tên tội phạm. Tôi chẳng bao giờ phải ngồi bóc lịch sau song sắt nhà tù; tôi thích tường nhà mình đầy dây trường xuân. Tôi là một hình mẫu thành công và là một giáo sư luật học. Tôi là kiểu người điển hình được ngưỡng mộ, hưởng giáo dục tân tiến, thường xuyên viết bài cho báo luật và phát triển những học thuyết về luật. Tôi cống hiến 10% thu nhập của mình để từ thiện và dạy vào Chủ Nhật mỗi tuần. Tôi có một mối quan hệ thân thiết với gia đình và bạn bè, những người tôi yêu quý và yêu quý tôi.
Nó có giống bạn không? Có lẽ bạn cũng là một sociopath. Những đánh giá gần đây nói rằng 1% đến 4% dân số, hay 1 trong 25 người, là sociopath – cao hơn cả phần trăm số người bị mắc chứng biếng ăn và tự kỷ. Bạn không phải là một tên giết người hàng loạt chứ? Chưa bao giờ vào tù? Phần lớn chúng ta thì không. Một vài người trong số các bạn có thể ngạc nhiên rằng các bạn không nghiễm nhiên trở thành những tên tội phạm. Chỉ có khoảng 20% đàn ông và phụ nữ trong tù là những sociopaths, mặc dù chúng ta có thể phải chịu trách nhiệm cho một nửa những tội ác nghiêm trọng. Và không phải phần lớn các sociopaths đều bị bỏ tù. Sự thật là, phần nhiều im lặng và sống tự do, ẩn khuất trong xã hội, có một công việc, làm đám cưới, sinh con – đạt được rất nhiều thành công trong một nền văn hóa cho rằng sociopaths là những con quái vật. Vậy ai mới là sociopaths? Chúng ta nhiều vô số và đa dạng. Có lẽ một trong số họ trông giống tôi. Có ai trong số họ trông giống như bạn không?
Bạn có nhiều bạn bè chứ, tình nhân, hay những người hâm mộ? Điều đó không làm bạn trở nên “bình thường”; mà sự thật thì ngược lại. Dù phải chịu tiếng xấu, những sociopaths thường được biết đến với sức quyến rũ tuyệt vời, kỳ lạ và hiếm có. Trong một thế giới đầy những việc không đâu u ám, tẻ nhạt với chuyện cơm áo gạo tiền,việc con người bị thu hút bởi sự khác biệt của những sociopath cũng như là thiêu thân lao vào lửa.
Bạn sẽ thích tôi nếu bạn gặp tôi. Tôi khá là tự tin về việc đó vì tôi đã gặp một cơ số đáng kể người và họ đều bị thu hút bởi sự hấp dẫn của tôi . Tôi có nụ cười mà bạn thường xuyên thấy trên những chương trình TV và khó bắt gặp ở ngoài đời, một hàm răng trắng bóng hoàn hảo và khả năng đưa ra những lời mời dễ chịu. Tôi là kiểu người tình mà bạn sẽ muốn mang đến đám cưới người cũ của bạn. Vui vẻ, hoạt bát, một đồng nghiệp văn phòng hoàn hảo – vợ của sếp bạn cũng chưa từng gặp ai quyến rũ đến như thế. Và tôi đủ thông minh và thành đạt để khiến cho bố mẹ bạn sung sướng nếu bạn đưa tôi về nhà.
Bạn có hình mẫu lý tưởng hóa gì của bản thân không? Tôi thì có vẻ như vậy, đúng không? Sociopaths được biết đến với cái tôi cá nhân rất cao đến nỗi họ coi bản thân như là những Rubenesque. Tôi thể hiện sự tự tin của mình, nhiều hơn là vẻ bề ngoài và địa vị xã hội của tôi vốn có. Tôi không cao lắm nhưng hiện lên chắc chắn với một bờ vai rộng khỏe khoắn và khuôn hàm góc cạnh. Bạn bè tôi thường nhận xét về độ bền bỉ và dẻo dai của tôi. Nhưng tôi cũng thoải mái dù đang mặc trang phục mùa hè hay đeo giày cao bồi.
Có lẽ khía cạnh đáng chú ý nhất ở sự tự tin của tôi là cái cách tôi duy trì tương tác mắt. Một vài người gọi nó là “cái nhìn của kẻ săn mồi”, và có vẻ như là phần lớn các sociopaths sở hữu nó. Duy trì tương tác mắt có vẻ thù địch, và đó là lý do những vị khách đến thăm vườn thú thường được khuyên rằng không nên nhìn thẳng vào con Gorilla, vì có thể nó sẽ coi đó là một dấu hiệu khiêu khích. Phần lớn con người đều nghĩ như vậy, nếu không như vậy, những cuộc thi nhìn chằm chằm sẽ chẳng phải là thử thách gì cả. Sociopaths khác biệt. Chúng tôi không thấy phiền trong việc duy trì tương tác mắt. Sự thất bại trong việc nhìn đi chỗ khác một cách lịch sự thường được nhìn nhận là tự tin, mạnh mẽ, quyến rũ, hoặc khát máu. Nó có thể khiến người khác bối rối, nhưng thường trong một trạng thái thú vị mà có thể nhầm lẫn sang cảm giác mê đắm.
Đã bao giờ bạn dùng sự quyến rũ và tự tin đó để khiến người khác làm những việc mà họ không muốn chưa? Một vài người gọi đó là thao túng, nhưng tôi chỉ đơn giản coi đó là thứ Chúa đã ban cho mình. Và cái từ “thao túng” thật là xấu xí. Đó là những gì người ta nói để hạ thấp quyết định của chính mình. Nếu họ cuối cùng cũng chưa bao giờ cảm thấy nuối tiếc về những quyết định của mình, đó chẳng có nghĩa là chưa ai từng thao túng họ hay sao?
Sự thao túng là thứ khiến những đặc điểm của sociopath tự nhiên trở thành cái gì đó bất chính trong suy nghĩ cuả nhiều người, nhưng tôi không hiểu tại sao. Nó chỉ là hoàn thành một cuộc trao đổi mà thôi. Con người muốn một cái gì đó – để làm hài lòng bản thân, để cảm thấy mình được mong muốn hay cần thiết, để được nhìn nhận như một người tốt – và thao túng chỉ là một cách nhanh chóng và dơ bẩn để khiến con người có được thứ mình muốn. Bạn có thể gọi đó là quyến rũ cũng được. Một trong những người bạn sociopath của tôi đưa ra một ví dụ như thế này. Nếu một người bán xe của mình với giá $5000, người thứ hai muốn mua cái xe đó với giá $10000. Tôi biết cả hai người này nhưng hai người này không biết nhau. Tôi mua cái xe với giá $5000, bán lại cho người thứ hai với giá $10000, và có cho mình $5000. Nó gọi là giao dịch chứng khoán và xảy ra hàng ngày ở phố Walls ( và nhiều chỗ khác nữa).Chúng ta đều có thứ chúng ta muốn, và chúng ta đều hạnh phúc, chỉ cần hai người đó không bao giờ lần theo dấu vết và biết nhiều hơn những gì họ nên biết. Tôi tạo điều kiện nhờ sự thiếu hiếu biết của họ để đem lại lợi ích cho tất cả, đặc biệt là cho tôi.
Tôi thật sự tin rằng phần lớn những người có tiếp xúc với các sociopath được lợi hơn là những người không làm vậy. Sociopaths là một phần quan trọng khiến cho thế giới vận hành. Chúng tôi thỏa mãn những tưởng tượng, hay ít nhất là bề mặt của những tưởng tượng. Sự thật là, chúng tôi đôi khi là những người niềm nở đưa ra vòng tay giúp đỡ cho những mong muốn sâu kín nhất của bạn, những người duy nhất hài hòa một cách sâu sắc mà không để lộ động cơ kín đáo nào mà bạn ngay lập tức nhận thấy được. Chúng tôi quan sát mục tiêu của mình và cố gắng trở thành một bản sao của bất cứ cái gì hay bất cứ ai mà bạn muốn – một cấp dưới tốt bụng hay tình nhân của sếp. Không phải lúc nào bản sao mà chúng tôi tạo ra cũng nguy hiểm và không có thiện chí. Và nó khiến cho mục tiêu cảm thấy hạnh phúc trong quá trình giao dịch mà không gây hại gì. Đương nhiên mọi thứ có cái giá của nó – chúng tôi sẽ không làm thế nếu chúng tôi không có được gì đó từ bạn, thường là tiền hay quyền lực hoặc đơn giản hơn chỉ là sự thỏa mãn khi có được sự ngưỡng mộ và khao khát của bạn, nhưng nó chắc chắn không có nghĩa là bạn không có được gì. Đôi lúc có người nghĩ cái giá là quá đắt. Nhưng sự thật là khi bạn đã giao dịch với quỷ dữ, thì có nghĩa là không ai khác có thể cho bạn những điều kiện tốt hơn.
Thế còn đạo đức thì sao? Bạn có tiếp nhận những câu hỏi về đạo đức với sự mâu thuẫn, cảm thấy dễ dàng để lý giải hành vi của mình hoặc người khác dựa trên “kẻ sống sót là kẻ thích nghi nhất” hay không? Người ta đôi khi nói về việc chúng tôi thiếu cảm giác tội lỗi như thể điều đó kinh khủng lắm. Họ chắc chắn rằng ăn năn và tội lỗi là cần thiết để trở thành một người “tốt”. Nhưng có lẽ không có thứ đạo đức gì đủ “phổ quát” và chắc chắn mang tính “khách quan”. Dù qua hàng thiên niên kỷ tranh cãi giữa những nhà hiền triết và lý luận, không ai có thể thật sự đồng ý về hiện thân và các số chỉ của đạo đức. Từ ý kiến cá nhân của tôi,rất khó để áp đặt những niềm tin như vậy vào một thứ cực kỳ linh hoạt và dễ thay đổi, thứ gì đó liên quan đến một vài sự kinh hoàng như giết người vì danh dự,  chiến tranh “thôi mà” , và án tử hình.Giống như nhiều người, tôi có niềm tin vào một tôn giáo , thứ cho tôi chỉ dẫn về đạo đức. Tôi hành đạo vì điều đó có lợi – nó giữ bạn không phải vào tù và an toàn ẩn dật trong đám đông. Nhưng trái tim của đạo đức là thứ mà tôi chưa bao giờ hiểu.
Quan điểm của tôi xem đạo đức như một thứ công cụ. Tôi nghe theo những yêu cầu truyền thống khi cảm thấy phù hợp, và nếu không, thì tôi đi theo con đường của riêng mình mà chẳng cần biện minh. Một lần tôi có dịp giúp đỡ hai cụ già là nạn nhân của Holocaust điền vào biểu mẫu yêu cầu bồi thường từ chính phủ Đức. Họ là một đôi: một cụ bà đáng mến tóc vàng vào khoảng cuối thất tuần hoặc đầu bát tuần , người rõ ràng là có chăm chút đến vẻ bề ngoài , và một cụ ông già hơn với mớ tóc trắng trên đỉnh đầu với ý thức về quyền lợi mà bạn thường hay nhận thấy ở các ngôi sao Hollywood trong buổi xế chiều tại Los Angeles. Đơn của ông cụ có vẻ rất chỉn chu. Có lúc ông còn khá hung hăng xốc tay áo lên để lộ hình xăm số đúng với như trong giấy tờ. Đơn của cụ bà thì có vẻ rắc rối hơn. Bà có ngày tháng từ đợt yêu cầu bồi thường trước đó, nhưng giấy tờ của bà thì lại không phù hợp với những gì bà kể với tôi. Theo giấy tờ của bà thì bà đã vào trại rồi lại ra, điều mà có vẻ bất bình thường với người Đức. Tôi thực sự không biết phải làm gì với tờ đơn, nên tôi đứng dậy và nói với bà rằng tôi sẽ đi xin sự giúp đỡ từ các tổ chức tài trợ chương trình này. Bà hoảng sợ, nắm lấy tay tôi và kéo tôi ngồi xuống. Sau đó thì có vẻ hơi khó hiểu một chút, vì bà đã quá già,rất có thể so lão suy, và tiếng Anh thì kém. Chỉ vào một trong những cái đơn, bà nói :
” Đây không phải tôi”
Một câu chuyện về lừa dối để sinh tồn trải ra trước mắt tôi, không phải đến từ những lời cụ bà thật sự nói thì cũng là do xu hướng của riêng tôi để suy ra sự dối trá. Với đôi mắt xanh và mái tóc vàng, không ai nghi ngờ bà là người Do Thái. Bà có thể “qua” được thời chiến trong thân phận một thợ may rồi sau đó lấy cắp những tài liệu chứng thực khoảng thời gian ở trong trại từ một phụ nữ trẻ, người đã qua đời không lâu sau hòa bình lập lại. Tôi nghĩ rằng ý chính là như vậy, tôi thậm chí còn không hỏi một câu nào. Tôi tự hỏi chồng bà có bao giờ biết bà thực sự là ai không. Tôi tự hỏi có phải hay không tất cả chỉ là tưởng tượng của bà, hoặc của tôi.
Dù sao đi chăng nữa, tôi cũng không cảm thấy sự hối hận về đạo đức nào khi giúp bà hoàn thành lá đơn. Đó không phải việc của tôi để đi đặt câu hỏi cho câu chuyện của bà, chỉ là giúp bà ấy kể ra thôi. Tôi thật sự vui khi làm vậy, thật sự. Tôi ngưỡng mộ bà. Trong những chuyến đi của mình, tôi đã đến thăm vài khu di tích Holocaust và qua lại căn nhà của Anne Frank nhiều lần hơn là tôi muốn. Đến những nơi đó, tôi cảm thấy kinh ngạc bởi sự thụ động khủng khiếp của những người liên quan: Những người hàng xóm, dân làng, gác trại và cả những người tù. Nhìn vào bà cụ, tôi không thể không nhận ra chính bản thân mình. Một tâm hồn đồng cảm. Bà biết cần phải sống sót bằng mọi giá. Một hành vi trộm cắp danh tính công phu để thoát khỏi sự áp bức.Tôi chỉ hy vọng mình có thể làm được tốt như thế trong cuộc sống của mình.
Bà có thể đã may mắn khi gặp được tôi chứ không phải những tình nguyện viên khác. Khá là khó để biết được rằng ai đó với một chiếc la bàn đạo đức vững chắc hơn có thể sẽ hỏi nhiều hơn, và khiến họ để lộ nhiều hơn về bản thân, và cũng có thể đó là những thông tin mang tính buộc tội. Một người nhân hậu có thể nghĩ rằng bà đã chịu đựng đau khổ trong chiến tranh, không phải là cùng chung hoàn cảnh thì cũng là vì lý do tương tự mà những cuộc bồi thường nên giúp đỡ. Bà có thể đã liên tục phải sống trong sự sợ hãi bị phát hiện. Ai biết được bà đã phải hối lộ những ai, kết thân hoặc quyến rũ người nào để duy trì tự do của mình? Nhưng dù sao thì có lẽ ai đó khác cũng không muốn giúp đỡ một người đã tự cứu bản thân bằng cách lách luật. Chúng ta có nên kinh tởm những người thách thức chế độ, nhận tiền từ chính phủ mà đáng lẽ ra họ không được hưởng, và lạc quan về sự an toàn trong mạng lưới xã hội? Có lẽ sẽ có vài lời phán xét về việc bà chọn lợi dụng vẻ ngoài như người Aryan để không phải chịu chung đau khổ như thân nhân của mình. Nhưng thật may mắn cho bà rằng tôi không có cái gì gọi là tiêu chuẩn đạo đức,và gửi đi cả hai lá đơn vừa kịp giờ để có một bữa trưa ngon lành.
—————————-End of chap 1- part 1 —————————–
1.Chuột (chồn) Ốp-pốt: https://upload.wikimedia.org/wikipe…
2.“Rubenesque” (mỹ thuật) : từ được sử dụng để chỉ những cơ thể đầy đặn, phổng phao, hoặc phong cách của tác giả vẽ ra những cơ thể đầy đặn.
3. Người Aryan: Chủng tộc thượng đẳng theo quan niệm của Đức quốc xã.

2 thoughts on “[Sách dịch] Confessions of a sociopath (M.E.Thomas)- Chương 1 phần 1

Leave a comment